Oshino Hakkai vào xuân tuyệt đẹp và thanh bình
Chúng tôi đã sớm có kế hoạch chinh phục núi Phú Sĩ trong dịp trở lại Nhật Bản vào những ngày đầu tháng 6/2011 không chỉ bởi hấp dẫn vì câu nói cổ xưa “Một người đàn ông khôn ngoan leo núi Phú Sĩ một lần trong cuộc đời” mà còn muốn hiểu hơn giá trị biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất, sự tốt lành. Trời mưa rả rích khiến chúng tôi không thể đạt đến đỉnh Phú Sĩ nhưng vẫn gặp điều lành, ước nguyện được bù đắp xứng đáng khi bất ngờ trải nghiệm sự thanh bình thuần khiết hiếm có lan tỏa khắp làng cổ Oshino Hakkai nép mình dưới chân Phú Sĩ.
Lên Phú Sĩ mua đặc sản… oxi!
Fuji Subaruline là một con đường thơ mộng dài hơn 30km uốn lượn theo những hàng cây thông, lá phong xanh mướt thẳng lên tận đỉnh Phú Sĩ. Phí để lưu thông trên con đường này khoảng hơn 200 ngàn đồng. Còn có hai đường khác để lên núi nhưng khá hẹp và thích hợp hơn cho các loại xe nhỏ hoặc trekking. Từ dưới chân núi lên đến đỉnh có tổng cộng 8 điểm dừng chân, riêng chặng dừng thứ 5 có tầm nhìn đỉnh núi đẹp nhất, lý tưởng nhất để lưu tấm hình kỷ niệm cùng Phú Sĩ sơn. Tại đây cũng có khá nhiều cửa hàng lưu niệm bán hàng hóa truyền thống của Nhật. Chúng tôi ngắm nghía mãi các bộ sưu tầm đá núi lửa đủ màu, đủ dạng và các bình đựng oxi với giá khoảng 180 ngàn/hộp. Hóa ra thứ oxi đóng gói đặc biệt này được khá nhiều người mua về làm quà cho người thân.
Mất khoảng hơn 30 phút để tới điểm dừng số 5 ở độ cao gần 3.000m. Cơn mưa rả rích suốt từ sáng sớm và những đám mây chĩu nặng nước khiến chuyến đăng sơn của chúng tôi không được như mong muốn. Cả ngọn núi kiêu hãnh khổng lồ chìm trong mù sương. Vậy là chúng tôi chọn giải pháp đứng ở núi Phú Sĩ xem một đoạn phim về ngọn núi này lúc thời tiết đẹp nhất trong cả 4 mùa.
Cô bạn Miharu đi cùng chúng tôi thuyết phục: “Không thấy đỉnh Phú Sĩ thì khám phá vùng chân núi nhé, rất thanh bình và độc đáo”. Nói là làm, Miharu đưa chúng tôi đến Oshino Hakkai- ngôi làng cổ đặc biệt này đã níu chân chúng tôi gần hết một ngày.
Thủ tục nhập làng và quà tặng bất tận
Vào những ngày quang đãng, vị trí của làng Oshino Hakkai cũng là nơi đặc biệt để nhìn ngắm chiếc mũ kiêu hãnh màu tuyết trắng trên đỉnh Phú Sĩ sơn. Đúng tính cách ngăn nắp và quy chuẩn của người Nhật, quần thể Oshino Hakkai được quy hoạch hoàn hảo, toàn bộ vẻ đẹp của ngôi làng dịu dàng tỏa ra từ những mảnh vườn trồng rau, ngô, chè xanh non cho đến luống hoa cải vàng ruộm, khu vườn bonsai tuyệt tác bao quanh làng. Chúng tôi thư thả dạo bộ trên con đường đất nhỏ ngoằn nghèo ken dày các bức tường tạo bởi những bụi thông xanh thẫm và luống hoa đủ màu sắc. Bất ngờ một khung cảnh đẹp như tranh vẽ hiện ra phía cuối đường: hồ nước màu xanh ngọc bích ẩn hiện giữa vành cỏ xanh mướt, xa xa bóng cây cổ thụ xèo tán rộng soi mình xuống hồ nước tĩnh lặng. Giống như một đứa trẻ đón ngày sinh nhật đông vui, chúng tôi cứ háo hức và xúc động bóc từng món quà đẹp đẽ ở làng Oshino Hakkai trong tâm thế quà… không bao giờ hết!
Miharu nhắc tôi về thủ tục trước khi vào làng, giống như một nghi lễ thành tâm ai cũng muốn trải nghiệm: dừng chân trước một bể nước tinh khiết, dùng gáo bằng ống tre hứng dòng nước chảy qua khe nhỏ để rửa sạch hai bàn tay, sau đó xoa nhẹ lên mặt, lại hứng thêm một chút nước mát lạnh để uống trước khi dựng thẳng gáo nước, xối nước lại và đặt vào vị trí cũ cho người dùng kế tiếp. Thủ tục này cũng thường thấy ở các chùa chiền, đền thờ tại Nhật. Ngay kế bên là một bể nước khác thiết kế theo hình núi Phú Sĩ với dòng chữ: Mời du khách thử nhúng hai tay vào bể nước trong 1 phút. Đây là bể chứa nguồn nước chảy xuống từ đỉnh núi Phú Sĩ. Nhiệt độ ngoài trời khi ấy khoảng 22 độ C nhưng nước trong bể lạnh như mới tan từ băng tuyết. Một phút “thử thách” này không khiến bạn tê cứng mà lan tỏa cảm giác mát lạnh. Nguồn nước ở đây được nuôi dưỡng từ những lớp băng tuyết tan chảy theo sườn dốc của núi Phú Sĩ, thấm lọc qua nhiều lớp dung nham kiến tạo hơn 80 năm, và tuôn ra dòng nước tinh khiết. Người dân trong làng rất tôn kính, nâng niu nguồn nước này, du khách đến đây ai cũng háo hức uống một ngụm linh khí Phú Sĩ và không quên mang theo chai lọ để hứng một ít nước về làm quà.
Thủy cung dưới lòng hồ
Chúng tôi tiến lại gần hồ nước đã nhìn thấy lúc trước. Nhưng không còn là màu xanh ngọc bích như nhìn thấy từ xa, giờ là màu tím sậm với nhiều loại thực vật dạng tảo sống phía dưới, vẫn nhìn thấu lòng hồ không quá sâu. Nhìn chăm chú một lúc, ai cũng ngạc nhiên vì phần đáy hồ giống như một thủy cung nhân tạo: những khối đá lô nhô quấn quít nhiều loài cá lớn bơi lội.
Miharu nói rằng làng Oshino Hakkai nổi tiếng bởi 8 hồ nước đặc biệt có cấu tạo phần đáy chủ yếu là chất macma do quá trình kiến tạo địa chất và được nuôi dưỡng nhờ nguồn nước băng tuyết tan chảy từ đỉnh núi Phú Sĩ. Mỗi hồ nước lại được bàn tay con người tô điểm, giữ gìn bằng một đời sống nông thôn thuần khiết: những ngôi nhà cổ xưa rêu phủ dầy mái, những khóm cây, bụi hoa bonsai, bức tường phủ kín trái bắp khô, những guồng nước gỗ róc rách khiến mấy chú ngỗng tinh nghịch vỗ cánh tung bọt cố gắng khuấy động một chút bức tranh phong cảnh tĩnh lặng yên bình quanh năm suốt tháng. Ở khu vực hồ lớn nhất, người ta khéo léo tạo một đảo nhỏ giữa hồ và thêm cây cầu gỗ bắc ngang để du khách dễ dàng ngắm toàn bộ khung cảnh làng quê.
Món ngon hương vị Phú Sĩ
Nhịp sản xuất nông nghiệp vẫn đều đều bên cạnh chức năng du lịch nơi làng cổ, vừa ngắm cảnh thiên nhiên du khách vừa được thưởng thức rất nhiều đặc sản, đặc biệt là các loại đậu xanh, đỏ, vàng chế biến ăn liền, các loại nấm đủ hình dạng từ tươi đến khô. Chúng tôi được mời nếm thử chén nước nấm hương nóng hổi rất tốt cho sức khỏe, tôi đặc biệt thích món đậu hũ ngâm trong bể nước chảy từ núi Phú Sĩ, mát như để trong tủ đá! Các bà nội chợ trong làng còn trổ tài nhào bột và nướng bánh gạo trộn trà xanh, nấu món bánh khoai lang truyền thống mời du khách.
Chúng tôi gặp một đoàn khách khá đông người Nhật cũng đến đây tham quan và mua quà đặc sản. Nhiều người chia sẻ rằng mỗi năm, khi đến núi Phú Sĩ đều ghé vào làng mua nấm hương phơi khô, măng khô và quan trọng nhất là lấy một chai nước tinh khiết của núi Phú Sĩ mang về. Với đa số người Nhật, nguồn nước tinh khiết từ núi Phú Sĩ luôn mang lại cho họ sức khỏe và may mắn. Người Nhật cao tuổi đặc biệt yêu thích Oshino Hakkai còn bởi ngôi làng cổ còn lưu giữ những cách làm nghề nông theo kiểu truyền thống- một cách tự hào về góc xưa cũ còn nguyên vẹn cách Tokyo hiện đại chưa đầy 100 km. Đó chính là bảo tàng ngoài trời xinh xắn có tên gọi Hannoki Bayashi Shiryokan chạy bao quanh khu vực hồ nước lớn nhất làng. Bảo tàng thiết kế theo mô hình nhà nông lợp mái rạ, ở đây trưng bày rất nhiều loại nông cụ, các vật dụng cổ dùng trong gia đình nông dân Nhật Bản, và có thêm cả áo giáp cùng các loại vũ khí samurai…
Dừng lại để ưu tiên
Đối với tôi, Oshino Hakkai còn có một “đặc sản” khác, đó là những vườn bonsai được chăm chút đến từng milimet và các khối hình sinh động này điểm tô màu xanh bao quanh nhà gỗ xinh xắn. Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì gặp rất ít người sống trong làng, Miharu giải thích ở Oshino Hakkai cũng như nhiều nơi khác tại Nhật, dân số đang già đi rất nhanh. Phần lớn người dân chúng tôi gặp đều trên 60 tuổi. Phụ nữ chuyên chế biến nông sản thành các món ngon của vùng, còn đàn ông thì làm việc ngoài vườn và chăm sóc bonsai. Thi thoảng mới bắt gặp vài em bé diện đồng phục đến trường. Miharu nói rằng ngay từ lớp 1, các em đã phải làm quen với việc tự đi đến trường, chính quyền sẽ cấp cho mỗi em 1 cặp đi học có gắn bảng màu vàng “Ưu tiên”. Theo quy định, tất cả xe cộ phải dừng lại khi các em qua đường, người lớn phải có trách nhiệm hỗ trợ các em khi cần.Nhìn những đứa trẻ chừng 6, 7 tuổi tự tin đến trường và phải tự lo cho bản thân từ sớm mới hiểu tinh thần tự vượt khó của người Nhật được rèn luyện chuẩn mực như thế nào. Tạm biệt Oshino Hakkai, chúng tôi mang theo nỗi vấn vương cảnh đẹp và đã phải lòng tính cách Nhật từ lúc nào không hay.
Nguồn : Tổng hợp