CHUYÊN TỔ CHỨC TOUR THAM QUAN NHẬT BẢN

1/ Sumo là một môn võ truyền thống của Nhật Bản?

Ở Nhật, nếu nhắc đến truyền thống và văn hóa truyền thống thì Sumo trước hết được xem là nghi lễ tôn giáo(Thần đạo – Shinto), lễ hội. Đồng thời, Sumo cũng là một môn võ nghệ và võ đạo. Từ ngày xưa đã những lực sĩ sống bằng tiền khách xem đặt cược nên Sumo được phát triển thành Ozumo, một môn thi đấu đối kháng. Những năm gần đây, Ozumo dần dần trở thành một môn thi đấu tổng hợp bao gồm yếu tố võ thuật và thể thao đồng thời có tính quốc tế hơn, ra khỏi phạm vi Nhật Bản do có sự hiện diện của các lực sĩ nước ngoài và các cuộc thi đấu mang tính cách trình diễn tại Hawaii, Mông Cổ, Âu châu...

Sumo được dịch ra tiếng Anh là “sumo -wrestling” , các lực sĩ Sumo (chính xác phải là Ozumo) thường được dịch ra là “sumo -wreslter” nên người Âu-Mỹ thường hiểu đó là một môn đô vật nhưng thực sự đó chỉ là một phần của Sumo được phát triển thành môn thi đấu đối kháng.

Sumo theo truyền thống vẫn được tổ chức tại các lễ hội, các vùng của Nhật Bản trong các đền thờ. Các thanh niên có thể lực tốt được chọn để tham gia nghi thức Sumo trước bàn thờ thần trong đền để tỏ lòng tôn kính các vị thần và cảm tạ ân đức. Sumo, do tính tôn giáo như vậy, rất nghiêm khắc trong quy ước nghi thức, các lực sĩ không mặc gì ngoại trừ một chiếc khố. Cả Sumo lẫn Ozumo đều liên quan rất sâu đến tôn giáo bản địa của người Nhật là Shinto và đến Hoàng gia Nhật.

Ở một số nước khác tại châu Á cũng có những nghi thức gần giống với Sumo truyền thống được tổ chức để cầu cho mùa màng bội thu hoặc sau vụ gặt, tôn vinh tinh thần thượng võ... ví dụ như ở miền Bắc Việt Nam có hội vật ở Liễu Đôi, ở Bắc Ninh, miền Trung có hội vật làng Sình tổ chức vào ngày mùng 10 Tết Âm lịch mỗi năm....

Vật ở Việt Nam thường phải lật cho lưng đối phương chấm đất mới được xem là thắng cuộc nhưng trong Sumo (và cả Ozumo) thì lực sĩ chỉ được chạm đất bằng hai gan bàn chân, khi đã bắt đầu thi đấu, lực sĩ nào để bất cứ bộ phận nào khác trên cơ thể chạm đất hoặc bị đẩy ra khỏi vòng (Dohyo) là thua cuộc.

Như vậy, nếu nhắc đến môn mà các ông Tây gọi là “vật sumo” tức Ozumo, liệu đó có là một môn võ đã được biến thành thi đấu thể thao như Judo hoặc Kendo không? Câu trả lời là KHÔNG.

LÝ DO

a. Ozumo vẫn mang tính chất nghi lễ tôn giáo ví dụ như nghi thức vỗ tay trước khi vào Dohyo, nghi thức của Yokozuna gồm có Shikofumi(dậm chân, một dạng squad) , hai người hầu cầm cung, kiếm,tung muối để thanh tẩy, nghi thức bế mạc mỗi buổi đấu bằng cung.

b. Trước giải đấu của Ozumo bao giờ cũng có nghi thức Thần đạo do một thầy tư tế tiến hành theo đúng nghi thức quy định.

c. Ozumo nghiêm cấm phụ nữ tham gia, ngay cả bước chân lên xới cũng không được phép.

Tóm lại: Cần phải phân biệt Sumo truyền thống và Sumo thi đấu tức Ozumo. Như vậy, “Sumo là một môn võ truyền thống của Nhật Bản” không hẳn là sai mà cũng không hẳn đúng. Một dạng định nghĩa “đánh lận con đen” làm cho người không biết Sumo hiểu sai lạc về Sumo. Từ Ozumo có lẽ xa lạ và khó nhớ với người nước ngoài nên người ta dùng từ Sumo để gọi chung nhưng nên biết Sumo truyền thống và Ozumo có điểm khác nhau. Dưới đây, để dễ hiểu, tạm dùng từ Sumo để chỉ Ozumo tức Sumo thi đấu. Chỗ nào dễ gây hiểu lầm sẽ thêm chữ “truyền thống” đàng sau.

2/ Lực sĩ Sumo có thi thố võ nghệ để “hù” cho đối phương sợ hoặc biểu diễn trước khi hành quyết không ?

Trong phạm vi hiểu biết của tôi thì câu trả lời là KHÔNG. Có những câu chuyện, giai thoại về lực sĩ Sumo tham gia đánh trận hoặc phô diễn sức mạnh của mình bằng cách bẻ gẫy cổ kẻ địch nhưng những câu chuyện này không thể lấy làm tiêu biểu cho Sumo, nhất là Sumo truyền thống mang ý nghĩa tôn giáo.

3/ Lực sĩ Sumo

Hiện nay tại Nhật có Hiệp hội Sumo là hiệp hội quản lý và tổ chức các cuộc thi đấu Sumo. Hàng năm có các giải diễn ra vào tháng 1,3,5,7,9 và 11. Mỗi giải đấu diễn ra trong 15 ngày. Các lực sĩ được chia thành hai bên là bên Đông và bên Tây (Việt Nam ta thường gọi là bên Đông bên Đoài). Tùy theo thành tích thắng bại, các lực sĩ được thăng cấp và thăng lương. Mặc dù họ thuộc các lò sumo khác nhau, lương của mỗi bậc đều có quy định rõ ràng.

Cấp cao nhất là Yokozuna, lương trung bình (hai triệu tám trăm hai mươi ngàn yên/ tháng), kế đến là Ozeki(hai triệu ba trăm bốn mươi bảy ngàn yên/ tháng) … Tạm tính 1USD=100 yên, ta tính được lương tháng của các lực sĩ Sumo. Tính từ trên xuống có Yokozuna, Ozeki, Sekiwake, Komusubi, Maegashira, Jyuryo. Các lực sĩ ở các cấp này gọi là Makunouchi (tạm dịch “đấu ở sân trước”, có truyền hình trực tiếp).

Các lực sĩ mới vào nghề chưa có thành tích gì, đang ở hạng Makunosh*ta (tạm dịch là “đấu ở sân sau” , không truyền hình trực tiếp) thì không có lương từ Hiệp hội mà nhận tiền tiêu vặt từ vị thầy của mình (Oyakata).

Điều kiện để gia nhập lò sumo được quy định là : Nam giới, đã tốt nghiệp trung học (cấp 2), tuổi nhập môn trễ nhất là 23 tuổi, chiều cao tối thiểu là 167cm, cân nặng tối thiểu là 67 kg. Sau khi qua các kỳ sát hạch sức khỏe về: thị lực, sức bật, độ bền, tốc độ chạy...., người nào được nhận sẽ bắt đầu việc tập luyện, ăn uống theo chế độ của Sumo để tăng trọng. Các lực sĩ Sumo tuy có thể trọng đáng nể lại không phải là những người mắc bệnh béo phì.

Hàng năm, họ đều qua các cuộc kiểm tra sức khỏe để tránh các bệnh tim mạch. Đa số đều có lượng mỡ dưới 30% trọng lượng cơ thể nghĩa là béo hơn người bình thường nhưng không phải béo bệnh. Cấp bậc của lực sĩ không tăng theo thể trọng mà tăng theo thắng thua trong các giải đấu. Từ hạng Ozeki trở xuống nếu số trận thua lớn hơn số thắng liên tục trong hai giải thì sẽ bị tụt hạng. Hạng Yokozuna không bị tụt hạng nhưng nêu thua nhiều liên tiếp 2 giải sẽ bị khiển trách, thua 3 giải liên tiếp sẽ bị buộc giải nghệ. Do đó, lực sĩ nào cũng phải cố gắng đạt ít nhất là 8 trận thắng ( tổng số 15 trận) trong mỗi giải để tránh bị tụt hạng.

4/ Đòn thế trong Sumo thi đấu

Cũng như các môn đô vật khác trên thế giới, Sumo không cho phép dùng đòn đá, đòn cùi chỏ, không được nắm tóc, không được đấm, không được xỉa vào mắt hoặc tấn công hạ bộ nhưng được húc vào người đối thủ, được ngáng chân thậm chí được tát vào mặt đối thủ.

Mặc dù Sumo thi đấu có yếu tố thể thao, Sumo là môn đấu không phân biệt theo hạng cân. Do đó, khán giả rất thích thú khi được xem một trận đấu giữa lực sĩ nhẹ cân hơn, thấp hơn với một lực sĩ to lớn hơn và không phải lúc nào kẻ to lớn hơn cũng thắng.

Trong 20 năm vừa qua, lực sĩ “nhỏ nhắn” được hâm mộ nhất phải kể là Mainoumi. Lực sĩ này với chiều cao 170cm cân nặng 100 kg đã nhiều lần thắng các lực sĩ to lớn hơn mình gấp bội trong đó có nhiều lần đánh bại lực sĩ Konishiki (người gốc Hawaii) cao 184m, nặng 285 kg.
 
 
Trong clip, khi hồi tưởng lại trận thắng Konishiki nhưng bị đè sái cổ chân, Mainoumi nói rằng “mỗi lần đối đầu như vậy tôi đều nghĩ rằng “có thể sau trận này, cuộc đời thi đấu của mình sẽ chấm dứt vĩnh viễn”. Từng trận đối với tôi đều là chuyện sống còn”. Và anh đã thắng trận kế tiếp sau khi bình phục.

Vì vậy, nếu ai đó nói với bạn rằng “Sumo bắt đầu từ cân nặng 130kg và càng nặng càng được tôn trọng”, bạn đừng tin.

5/ Những vấn đề hiện tại của Sumo

Sumo ngày nay có 2/3 lực sĩ trong hạng Makunouchi đến từ các quốc gia khác như Mông Cổ, Gruzia, Bulgaria...Hai Yokozuna đều là người Mông Cổ. Hiệp hội Sumo Nhật rất đau đầu vì đứng giữa hai dòng “truyền thống” và “thể thao”. Do Sumo thi đấu không tách hẳn khỏi tính nghi lễ truyền thống nên rất khó để đưa ra ngoài ranh giới Nhật Bản và người Nhật cũng không hẳn muốn môn này trở thành môn thi đấu quốc tế như Judo hay Kendo.

Mặt khác, Hiệp hội vẫn phải công nhận sự có mặt của những lực sĩ ngoại quốc giúp cho các giải đấu sôi động, lôi cuốn nhiều người đến xem và các lực sĩ nước ngoài này trám đầy những chỗ trống do thiếu người kế thừa tại các lò đào tạo lực sĩ Sumo.

Mặc dù các lực sĩ ngoại quốc tham gia vào Sumo thi đấu đều sống tại Nhật, nói sõi tiếng Nhật, nắm vững văn hóa Nhật Bản, họ vẫn là người nước ngoài với nền tảng văn hóa khác biệt.

Vì vậy, các lực sĩ này mang rất nhiều vấn đề vào Sumo. Những năm qua, làng Sumo thi đấu tại Nhật liên tiếp phải chịu nhiều tai tiếng vì các lực sĩ ngoại quốc như: sử dụng ma túy, gây thương tích cho người khác. Yokozuna Asasouryu tuy nắm kỷ lục thắng giải (23 giải, trong đó có 5 giải thắng liên tiếp đứng thứ 4 trong lịch sử Sumo) nhưng cũng là người gây ra không ít tai tiếng như : cáo ốm để đi đá bóng, vắng mặt không xin phép, làm những cử chỉ không được phép trên xới đấu. Sumo cũng như các môn võ khác và nề nếp sinh hoạt truyền thống của người Nhật là “khởi đầu bằng Lễ, kết thúc bằng Lễ”.

Trong Sumo dù thắng hay bại cũng không được nhảy lên reo hò, la hét, vung tay dậm chân hoặc làm những cử chỉ tỏ vẻ đắc ý khác. Lực sĩ được yêu cầu phải giữ lễ với công chúng và với đối thủ của mình. Asasouryu vi phạm tất cả những điều vừa kể và đã từng bị Hội đồng kỷ luật của Hiệp hội Sumo cảnh cáo, thậm chí đòi tước đẳng cấp và trục xuất nhưng rốt cuộc vẫn còn tại vị nhờ thành tích và nhờ một sự thực không vui khác là Yokozuna Hakkuho còn trẻ, người kế tục tương xứng nếu thiếu vắng Asasouryu hiện vẫn chưa có...

Sumo truyền thống chắc sẽ vẫn được tiếp tục vì đó là truyền thống gắn với tôn giáo và niềm tin của người Nhật. Sumo thi đấu rồi ra cũng sẽ tiếp tục dù đương đầu nhiều vấn đề, thử thách. Các ông Tây bà đầm vẫn tiếp tục gọi đó là “sumo wrestling” và nhún vai khi nói về truyền thống của Sumo. Sự hiểu biết về Sumo vẫn cứ sẽ phiến diện ở chỗ này, chỗ khác. Những đoạn viết ở đây cũng không nhằm mục đích gì to tát, chỉ là góp chút phần nhỏ“mua vui một vài trống canh”./.

Nguồn : Tổng hợp

 


0

các khám phá khác

image

Bí mật về những thanh kiếm Nhật

Các thế hệ 7x,8x và cả 9x hẳn vẫn luôn mê mẩn trước những binh khí nổi tiếng Nhật Bản - thanh katana và những binh khí đậm chất Phù Tang.

01
image

Giải đáp các thắc mắc chung cho du khách muốn đi du lịch Nhật Bản

thời điểm tuyệt nhất để du lịch Nhật Bản là vào đầu tháng 4, khi đó hoa anh đào nở rộ khắp mọi nơi và bạn như đang lạc bước vào xứ sở thần tiên.

00
image

LỄ HỘI OKERA MAIRI ĐÓN NĂM MỚI TẠI NHẬT BẢN

Cùng hòa mình vào không khí lễ hội của đất nước Nhật Bản chúng ta có thể hiểu thêm được về phong tục ngày Tết của đất nước…

00

Hotline: 0906 726 785

Ms.Vy: Skype

Ms.Nhut: Skype