Kyoto (京都・tiếng Hán là Kinh Đô) là một cố đô của Nhật Bản từ năm 794 A.D. Thành phố nầy được thiết kế rất nghiêm túc theo luật Phong Thủy (風水) cổ đại TQ, là nơi cho Thiên Tử ngự trị. Vì cố mô phỏng theo kinh đô lịch sử Lạc Dương (洛陽) nhà Đông Chu, cho nên xưa kia cũng được gọi là Kyoraku (京洛・ Tiếng hán là Kinh Lạc).
Kyoto nằm trong một thung lũng xanh tươi, xung quanh là núi đồi của vùng cao nguyên Tamba (丹波・Đan Ba). Có lẽ vì thế khí hậu Kyoto thay đổi rất đột ngột giữa các mùa. Sự sai biệt của nhiệt độ trong một ngày cũng rất to, đó là một yếu tố cần thiết để sơn phết cho cái đẹp của mùa Thu nơi nầy.
Mùa Diễm Thu kyoto bắt đầu từ thượng tuần và kết thúc vào hạ tuần tháng 11 mỗi năm. Nơi đây có cảnh Thu đẹp tuyệt vời, đẹp hơn bất cứ nơi nào con người có thể tưởng tượng được...Bàn tay khéo léo cùng với trí óc sáng tạo của con người đã hợp tác với thiên nhiên tạo ra nhiều cảnh quá ự thơ mộng cho cố đô.
Đến Kyoto ta phải đi xem vườn Nhật và chùa chiền rải rác khắp nơi trong thành phố có hơn một triệu dân cư. Cảnh vườn Nhật lúc nào cũng có rong có rêu “koke” (苔・moss, lichen) đóng trên những hòn đá hoa cương hay trên nền đất xám làm cho ta tưởng chừng như đang đi lạc trên non. Những cây cảnh của họ được uốn luyện quá tài tình - Dáng của nó giống như những cây tùng “bách lão” trên đỉnhh đồi hay bên ven biển, đã từng bị gió bạt sóng vỗ, tuyết phủ và nắng sương ăn mòn.
Nhìn những hồ "vô thủy" "Kare-ike" (枯池・khô trì) tĩnh túc nhưng lại “sóng gợn” ta mới thấy được cái óc sáng tạo của cảnh Thiền đình (禅庭・Zen garden) do các "Niwashi" (庭師・đình sư) tạo ra.
Người Nhật không thích phô trương như người Tây phương hay người Tàu. Cái màu sắc của vật liệu kiến trúc lúc nào cũng rất "hữu cơ" (organic), dễ làm bạn với thiên nhiên xung quanh. Thường những ngôi chùa hay thần xã được xây cất bằng gỗ "hinoki" (chamaecyparis -檜・"cối", gần giống như “bá”-柏) có thể giữ được trên một ngàn năm.
Những tòa nhà kiến trúc nầy sau nhiều niên kỷ sạm nắng phong sương đã trở thành một bộ phận của tạo hóa. Không gì thích hơn khi ta bước đi trên cái sàn gỗ tạo ra tiếng "cút kít" của ngôi chùa "Kiyomizu"(清水寺・Thanh thủy Tự) tẫm đầy mùi dầu hinoki từ ngàn năm trước...
Cái siêu việt của nghệ thuật “zouen” (造園・tạo viên/landscaping) truyền thống Nhật Bản là ở chổ "Wabi sabi" (侘び寂び)- vừa âu yếm vừa kính đáo dưới mắt của người nhìn.
Có những cái "An" (庵・am) và "Butsudou (仏堂・Phật đường) thật đơn sơ nhưng lại hiện hữu bất tận với thời gian...
Cái lý thú khi xem cảnh vườn Nhật rất khác nhau tùy theo trình độ kiến thức của người xem. Nếu ta biết được sư khác biệt giữa lối xây cất của các thời đại -ví dụ như cái cảnh non bộ khô "karesenzui" "枯山水・khô sơn thủy) của đời nào, ngay cả cách gọi cũng thay đổi- thì cái lý thú lúc xem càng bội tăng....
Người Nhật có câu: "Hyakubun wa ikken ni shikazu" (百聞は一見にしかず) - tức là "trăm nghe không bằng mắt thấy". Nếu bạn có lỡ trể chuyến tàu Shinkan-sen (bullet train) về Kyoto để xem cảnh Thu năm nay thì cũng xin đừng thất vọng. Ngày nay ta có thể xoay ngược đồng hồ đi về quá khứ qua chuyến tàu “Cyperspace” (!)để viếng Kyoto trong mùa Diễm Thu vừa qua một lần nữa.
Trở về hiện tại
Trong cuộc thế chiến thứ II tàn khốc vừa qua, một Bộ trưởng chiến tranh (Secretary of War) của Mỹ là Henry L. Stimson đã đề nghị với Tổng thống Theodore Roosevelt cho miễn bỏ bom nguyên tử xuống thành phố Kyoto dù là giới quân sự thời đó chủ trương “đây là một mục tiêu quyết định cho cái hiệu quả của quả bom lớn”.
Lý do: ông Stimson đã "lỡ" hiểu được cái giá trị văn hóa lịch sử do con người tạo ra cho Kyoto và không muốn nơi nầy bị tiêu hủy... Vậy thì Trời Phật trong những ngôi chùa và thần xã cổ kính kia đã bảo vệ Kyoto chăng? -Thế thì Kyoto may mắn hơn Thành Nội Huế của ta quá nhiều!
Nguồn : Tổng hợp