Đôi nét về xưởng tơ lụa Tomioka
Nhà máy dệt lụa Tomioka (tỉnh Gunma) là nhà máy lâu đời nhất của Nhật Bản theo mô hình hiện đại công nghệ Pháp. Được thành lập vào năm 1872, Tomioka là một trong những nhà máy dệt lớn nhất thế giới tại thời điểm xây dựng, là xưởng tơ lụa nhà nước đầu tiên của Nhật Bản. Xưởng này gồm 4 tòa nhà, trong đó có 1 nhà xưởng xây bằng gạch và các khu nhà đã trở thành nguyên mẫu cho các nông dân bắt đầu tham gia sản xuất tơ lụa.
Xưởng dệt lụa Tomioka vừa mới được công nhận là di sản thế giới vào tháng 6/2014. Xưởng dệt lụa Tomioka là một nhà máy chuyên dệt lụa được xây dựng vào thời chính quyền Minh Trị năm 1872, là một công trình nhà máy tiêu biểu cho sự kết hợp đan xen giữa kĩ thuật của Nhật Bản và Phương Tây. Những công trình trọng yếu như xưởng quay tơ hay kho chứa kén được xây bằng gạch có cột trụ gỗ với chiều cao hơn 100m đến nay vẫn còn gần như nguyên vẹn so với lúc mới được thành lập thời bấy giờ.
Vào thời điểm đó tại xưởng dệt lụa Tomioka, công nghệ tân tiến Phương Tây đã được du nhập vào, và từ đó công nghệ này được truyền khắp nước Nhật. Giống Tomioka, các xưởng dệt ở Tajima Yahei Kyutaku, Takayama Shaato, Arafune Fuuketsu đã đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp tơ lụa, và đã được đăng ký vào di sản thế giới như là quần thể di sản ngành công nghiệp dệt lụa.
Sau khi được xây dựng, xưởng tơ lụa Tomioka đã mời gọi các chuyên gia nước ngoài, và tuyển mộ nữ nhân công trên khắp cả nước. Xưởng tơ lụa có chiều dài khoảng 140m, ngang 12.3m, chiều cao 12.1m. Xưởng tơ lụa Tomioka mặc dù đã ngừng sản xuất vào năm 1987 do sự đình trệ về giá cả tơ lụa, nhưng đến ngày nay bên trong xưởng vẫn được bảo vệ cẩn thận, trong số các nhà máy của chính phủ được chính phủ Meiji xây dựng lên, thì Tomioka là nhà máy duy nhất vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn.