TORII là một cánh cổng, một biểu tượng truyền thống của Nhật Bản, thường được tìm thấy ở lối vào của các đền thờ Thần Đạo. Tuy nhiên ở các đền thờ Phật giáo cũng có. Torii được coi là nơi chuyển tiếp giữa vùng đất linh thiêng của thần thánh và thế giới phàm tục của con người.
Nói về nguồn gốc của chữ “torii”, có giả thuyết cho rằng Torii được xây dựng để cho chim về đậu do ẩn ý của 2 chữ kanji (鳥 tori: chim; 居 i: nơi chốn). Đó là bởi vì theo Thần Đạo, chim được cho là đối tượng truyền thông điệp của thần linh. Giả thuyết thứ hai lại bắt nguồn từ thuật ngữ tōri-iru (通り入る: thông qua và bước vào).
Ở Nhật Bản, những người làm ăn thành công thường quyên tặng xây dựng Torii nhằm thể hiện lòng biết ơn. Chính vì vậy ở Nhật có rất nhiều Torii. Ví dụ đền thờ Fushimi Inari ở Kyoto có hàng ngàn Torii như thế.
Truyền thuyết
Không ai biết rõ thực ra Torii có nguồn gốc từ Nhật Bản hay chúng được du nhập vào từ một nơi nào đó như Triều Tiên. Tuy nhiên theo truyền thuyết cổ của Nhật thì nữ thần mặt trời Amaterasu vì cảm thấy bực bội trước những trò đùa quấy nhiễu của người em trai nên đã tự giấu mình vào trong hang động, bà đã lấy đá lấp kín lối vào cửa hang, từ đó gây ra hiện tượng nhật thực. Người dân lo sợ rằng nếu mặt trời không trở lại thì tất cả bọn họ sẽ chết.
Vì vậy, theo lời khuyên của một người đàn ông già thông thái trong làng, họ đã dựng lên một cái sào bằng gỗ và thả cho tất cả gà trống trong làng đậu trên đó. Khi bọn gà trống kêu ầm ĩ đã gây ra sự tò mò cho vị nữ thần mặt trời và bà đã hé mắt nhìn ra ngoài hang. Lúc đó tảng đá tạo ra một vết nứt và một đô vật sumo to lớn từ trong làng chạy đến đẩy hòn đá đi, giải thoát mặt trời. Cành cây cho chim đậu ấy chính là cánh cổng torii đầu tiên. Từ đó trở đi, Torii là biểu tượng của sự thịnh vượng và sung túc. Torii có mặt ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản.
Vai trò của Torii tại các đền thờ Thần Đạo
Ở Nhật Bản, Torii là dấu hiệu chỉ lối vào nơi linh thiêng. Đi dưới các Torii chính là đang đi trên con đường viếng thăm thần linh. Vì thế khi đi dưới Torii, phải rửa tay thật sạch và ngậm nước trong miệng – hành động này biểu hiện sự thanh sạch và thánh hóa trước khi tiếp cận thần linh để cầu nguyện.
Chính vì lý do này mà một người nếu ở trạng thái không “sạch” sẽ không được phép vào đền thờ cầu nguyện. Ví dụ về sự “không sạch” đó là những phụ nữ đang trong giai đoạn kinh nguyệt hay những người mà trong nhà có tang.
Đối với những người mà trong nhà có tang thì họ được phép đến các đền thờ Phật giáo thay vì Thần Đạo để cầu nguyện trong 1 năm thậm chí cả việc đến đền thờ Thần Đạo trong dịp đầu năm mới (初詣) cũng không được phép.
Cấu trúc
Cấu trúc cơ bản của Torii gồm 2 cột thẳng đứng, 2 thanh ngang đóng sát nhau ở trên đỉnh lần lượt là 笠木(kasaghi) và 島木(shimaghi), phía dưới nữa là 1 thanh ngang 貫 (nuki), Torii thường được sơn màu đỏ son.
Một số Torii còn có những tấm bảng viết chữ được đóng ở giữa. Theo truyền thống, Torii được dựng từ gỗ hay đá, nhưng hiện nay người ta bắt đầu dùng các loại vật liệu khác như thép và thậm chí là thép không gỉ.
Mê tín liên quan đến Torii: người ta tin rằng khi ném đá, nếu hòn đá đậu lại trên torii thì mọi ước nguyện đều trở thành sự thật.
Phân loại: về cơ bản Torii có 2 loại 神明鳥居(shinmeitorii) và 明神鳥居(myoujintori). Tuy nhiên phần nhiều tùy theo sở thích của người xây dựng mà Torii cũng rất đa dạng
Nguồn : Tổng hợp