Đối với người học tiếng Nhật thì không gì khó bằng tên họ của người Nhật. Đây là đất nước có nhiều họ nhất thế giới và cách viết, cách đọc cũng rất phức tạp, ngay cả người Nhật nhiều khi cũng phải lúng túng không biết viết và đọc tên họ của đồng bào mình ra sao.
Việc này cũng có nguyên do của nó.
Trước thời Minh Trị thì người bình dân ở Nhật không có họ, mãi đến ngày mười ba tháng hai năm Minh Trị thứ tám thì họ mới được phép mang họ. Những người bình dân trước giờ vốn đã quen với những tên gọi dân dã như anh Kuma, chị Orin nay phát hoảng lên, luống cuống chạy đi tìm những anh tri thức, những nhà bác vật hay trưởng thôn để xin cái họ. Họ gì cũng được, miễn là có để đăng ký hộ tịch thôi. Vì có quá nhiều người nên trưởng thôn lo không xuể mới giao phó cho họ rằng:
- Nhà chú có một cây tùng nên lấy họ là Matsushita (nghĩa là dưới gốc tùng).
- Nhà chú phía trước con sông nên lấy họ là Maekawa (nghĩa là con sông phía trước).
Thế là bách tính đua nhau tự đặt họ như vậy. Anh nào ở trong núi thì mang họ Yamashita, anh nào ngoài đảo thì lấy Nakajima,….
Theo giáo sư nghiên cứu tên họ là Sakuma Ei thì ở tỉnh Aichi có một ngôi làng mà toàn bộ dân làng đều mang họ thực vật như Daikon (củ cải), Ninjin (cà rốt). Lại có một vùng khác mà dân làng toàn mang họ tôm cá như Tai, Himera,… hệt như thủy tộc dưới long cung.
Ngoài ra cũng có những ngôi làng mà toàn bộ dân chúng ở đó đều mang cùng một họ. Như ở tỉnh Shimane có một vùng mà hơn năm chục hộ đều mang họ Kuwabara. Chắc là do trưởng thôn khi đặt tên cho dân làng đã lười biếng ? Chỉ khổ cho bác đưa thư, ngày nào cũng đi hô khản cổ “Kuwabara, Kuwabara”.
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, đất nước Nhật Bản cũng do dòng họ Thiên Hoàng trị vì nhưng có một điểm lạ thường là: đây là dòng họ duy nhất ở Nhật không có họ.